Ngày 20/04/2023 vừa qua, nhà máy tái chế nhựa với công nghệ hiện đại “bottle to bottle” đến từ châu Âu, của Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân chính thức được khánh thành tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Nhà máy được Nhựa tái chế Duy Tân (DTR) khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, với tổng diện tích 65 nghìn mét vuông tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Đi vào hoạt động giai đoạn 1, nhà máy có công suất 30 nghìn tấn mỗi năm.
Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Giám đốc điều hành DTR, cho biết, mục tiêu của dự án là tái chế được 100 nghìn tấn nhựa mỗi năm. Thực tế, tính đến hết năm 2022, nhà máy đã thu gom và tái chế được hơn 2 tỷ chai nhựa, tương đương với 14 nghìn tấn nhựa.
Khác với nhiều đơn vị tái chế truyền thống, DTR lựa chọn sử dụng nguồn phế liệu đầu vào 100% từ trong nước. Để làm được điều này, công ty đã thiết lập hệ thống khoảng 100 trạm thu gom phế liệu trong khu vực miền Nam, liên kết chặt chẽ với một số công ty, đại lý thu gom ve chai, phế liệu. Thấu hiểu được nỗi vất vả của công tác thu gom phế liệu, nhiều chương trình, dự án cũng được DTR phối hợp với các đối tác triển khai, từ đó tăng cường năng lực thu gom, phân loại, hỗ trợ sinh kế cho người lao động phi chính thức
DTR là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tái chế bottle to bottle (chai ra chai), tức là mỗi chai nhựa đã qua sử dụng, qua quá trình tái chế thành các hạt nhựa đủ tiêu chuẩn chất lượng để cho ra chai nhựa mới, từ đó khép kín vòng lặp tuần hoàn, góp phần giảm sản xuất, tiêu thụ nhựa nguyên sinh.
Sản phẩm nhựa tái chế của DTR đạt các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý chất lượng, được chứng nhận bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận quốc tế từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), không chỉ cung ứng cho các doanh nghiệp nội mà còn xuất khẩu được sang 12 quốc gia trên thế giới, bao gồm những thị trường khó tính như Hoa Kỳ và châu Âu.
Một điều đặc biệt là nhà máy nhựa tái chế của DTR là nhà máy xanh, vận hành theo tiêu chí “3 không”: không rác thải, không khí thải, không nước thải. Từ đó, DTR rũ bỏ hoàn toàn định kiến về ngành công nghiệp tái chế vốn được xem là kém chất lượng và gây ra ô nhiễm thứ cấp.
Hoàn thành xây dựng nhà máy là bước tiến quan trọng của DTR, thông qua tổ chức thu gom, tái chế, sản xuất ra hạt nhựa tái sinh chất lượng cao cung ứng cho thị trường, thúc đẩy tăng cường sử dụng vật liệu tái sinh trong sản phẩm, bao bì, từ đó hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.